Như vậy, trong ba đời ta đã tạo thành 108 thứ phiền não để làm hành trang trong đoạn đường sanh tử không cùng tận. Cho nên, bây giờ chúng ta lần tràng hạt 108 lần trong khi niệm Phật, là quyết tâm đoạn trừ 108 món phiền não mà mình đã tạo trong ba đời. Đoạn trừ 108 món phiền não cũng có nghĩa là làm cho sáu căn thanh tịnh.
Phật giáo nhìn vào vũ trụ nhân sinh, không phải là duy vật, không phải duy tâm, cũng không phải là duy thần. Mà Phật giáo nhìn vào sự hình thành của con người ở ba trạng thái kết hợp nhau là tâm, sinh và vật lý. Hay nói bằng danh từ Phật học là sự duyên hợp của ngũ uẩn, tứ đại; hoặc căn, trần và thức. Căn là nói về sinh lý, trần là vật lý, và thức là tâm lý. Căn, trần và thức tụ hội nhau để tồn tại. Nếu lìa một chỉ còn hai thì thế giới sẽ không tồn tại. Vậy căn, trần, thức là gì?
Căn là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Thức là: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Từ nơi sáu căn tiếp xúc sáu trần sanh ra sáu thức. Thức tạo tác vọng động, tạo nghiệp hoặc thiện hoặc ác để trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Dụ như mắt nhìn thấy sắc đẹp của một người (nam hoặc nữ), liền khởi tâm say đắm, từ nơi đắm mê sắc đẹp mà tạo nên hành nghiệp. Cho đến tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi thơm, thân chạm xúc những chỗ trơn láng mềm mại, ý suy nghĩ ghét, thương, hận, thù…Lục căn là công cụ sai khiến của lục thức để tạo tác hành nghiệp thiện hoặc ác. Từ nơi hành nghiệp tích tụ chứa nhóm mang đi trong sáu nẻo luân hồi, từ quá khứ đến hiện tại, và, sẽ tiếp diễn trong tương lai; để chịu khổ trong vòng luân hồi.
Quá khứ do sáu căn không thanh tịnh, chạy theo trần cảnh khởi lên đắm trước tạo nghiệp: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Và trong đời vị lai ta lại cũng theo con đường cũ tạo nghiệp sanh tử tham, sân, … nầy mà đi.
Từ nơi mắt thấy sắc tạo nên sáu món căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến; cho đến mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý, mỗi căn đều tạo nên sáu phiền não căn bản giống nhau: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Mỗi căn chúng ta có sáu thứ căn bản phiền não, và; như vậy, sáu giác quan đã tạo nên 36 thứ phiền não trong đời sống thường ngày.
Do đó, như trên đã nói cuộc đời của chúng ta liên tục nối tiếp trong ba đời từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Như vậy, trong ba đời ta đã tạo thành 108 thứ phiền não để làm hành trang trong đoạn đường sanh tử không cùng tận. Cho nên, bây giờ chúng ta lần tràng hạt 108 lần trong khi niệm Phật, là quyết tâm đoạn trừ 108 món phiền não mà mình đã tạo trong ba đời. Đoạn trừ 108 món phiền não cũng có nghĩa là làm cho sáu căn thanh tịnh.
Sáu căn từ trước đến nay chạy theo sáu trần, khởi lên sáu món phiền não căn bản: tham, sân, si, …. bây giờ ta lần tràng hạt niệm Phật, là ngăn cản không cho sáu căn vọng động chạy theo cảnh trần, và, giúp cho sáu căn quay về với tự tánh. Sáu căn cảm nhận sáu trần sanh ra sáu thức, thức vọng động tạo nghiệp luân lưu trong vòng sống chết. Lần tràng niệm Phật là không cho căn nhiễm với trần; căn không nhiễm trần tức căn thanh tịnh, căn đã tịnh thì nghiệp không còn, nghiệp đã dứt sanh tử đoạn diệt. Ấy gọi là giải thoát, hoặc vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà.
Thấu triệt được lý đạo như vậy thì không còn vọng niệm phân biệt pháp tu này hơn pháp tu khác. Hoặc cho rằng đức Thích Ca xưa kia do Thiền Tọa mà thành Phật chứ không phải niệm Phật mà thành chánh quả. Hoặc còn tệ và vọng niệm hơn khi tuyên bố rằng: thầy Tổ đã khuyên bảo ta trong thời mạt pháp lấy pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh là trốn tránh, không thích ứng với lời Phật dạy.
Thích Phước Nhơn