(LQT) ĐẠI LỄ VU LAN – MÙA BÁO HIẾU

ĐẠI LỄ VU LAN – MÙA BÁO HIẾU

VU LAN – MÙA BÁO HIẾU

Hằng năm, cứ vào dịp rằm tháng bảy, khi tiết trời sang thu; nắng vàng nhạt trải dài khắp lối xóm, khí trời mát dịu. Đây cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị cho ngày lễ Vu Lan - Mùa báo ân cha mẹ.

 Hòa trong niềm vui chung của cả nước, ngày 15 tháng 07 năm Nhâm Dần chùa Linh Quang đã long trọng tổ chức Đại Lễ Vu Lan - Mùa báo hiếu PL 2.566.

Lúc 7 giờ sáng đã có hang ngàn Phật tử gần xa vân tập tại chùa, với những bộ đồ lam truyền thống chỉn chu, tươm tất và một tinh thần phẩn khởi để dự Đại Lễ Vu Lan 2022.

Đúng 8h30, ba hồi chuông trống Bát nhã vang lên, toàn thể quý thiện nam, tín nữ Phật tử đã trang nghiêm, thành kính, xếp hàng cung nghinh chư tôn đức Tăng quang lâm chứng minh và cử hành Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu.

Đại Đức Thích Huệ Trí, trụ trì chùa Linh Quang chủ trì Đại Lễ. Sau khi tuyên bố lý do, giới thiệu chương trình và thành phần tham dự, đại chúng đã dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ về thâm ân to lớn của chư Phật, công ơn giáo dưỡng của thầy tổ bổn sư, công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Bên cạnh đó cũng là tưởng nhớ đến ơn đất nước đồng bào, ơn chúng sanh vạn loại, ơn các vị anh linh chiến sĩ đã quên mình cho hòa bình và hạnh phúc của muôn người.

Tiếp theo nghi thức dâng y là khoảnh khắc thiêng liêng mang lại biết bao nhiêu nỗi niềm và phút giây lắng đọng trong lòng mỗi người - Nghi lễ Bông Hồng Cài Áo.

Cũng tại buổi lễ, mọi người được nghe những lời cảm niệm thật xúc động của đại diện đoàn sinh GĐPT Linh Quang. Thật hạnh phúc cho những ai còn cha, còn mẹ và cũng thật bất hạnh cho những ai cha mẹ đã lìa xa. Cha mẹ đã chắt chiu từng tháng, từng ngày, từng phút, từng giây, từng muỗm cơm, giọt sữa để nuôi lớn chúng ta. Từ khi ta còn nằm trong thai nghén cho đến khi ta cất tiếng khóc chào đời và giờ này ta đang hiện hữu nơi đây, cha mẹ ta đã phải trải biết bao niềm vui và nỗi buốn, khổ đau và vất vả. Cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đới cho chúng ta.

Mùa Vu Lan đến, mọi người về chùa lễ Phật, tụng kinh, thấm nhuần công ơn cha mẹ trong thời giáo pháp của đại đức giảng sư, tham gia lễ cài hoa... chí thành cầu nguyện cho cha mẹ hiền tiền được tăng long phước thọ, cha mẹ từ vô lượng kiếp cũng như những vong linh sớm được siêu sanh Tịnh Độ.

Nhân dịp viết bài về Lễ Vua Lan – Mùa báo hiếu năm nay, chúng tôi cũng xin giới thiệu với quý đọc giả và các một số sự tích và ý nghĩa của Lễ Vu Lan.

Lễ Vu Lan là gì và Ý nghĩa ngày lễ

Danh từ Vu Lan được bắt nguồn từ tiếng Phạn với nguyên âm là Ullambana, còn người Trung Hoa thì gọi đây là ngày lễ Vu Lan Bồn. Từ Bồn ở đây có được hiểu là cái chậu, vật dụng để đựng đồ dâng cúng lên Đức Phật và chư Tăng, Ni.

Lễ Vu Lan Báo Hiếu chính là việc dâng cúng đồ ăn tới các vị chư tăng để họ tung kinh, cầu nguyện; giúp hóa giải những tội lỗi, sai trái mà bố mẹ, ông bà của chúng ta còn sống đã phạm phải. Để Cửu Huyền Thất Tổ tức tổ tông bảy đời của gia đình quý bạn được thoát khỏi A Tỳ Địa Ngục và được siêu thoát.

Sự tích Vu Lan Báo Hiếu

Nguồn gốc của ngày lễ này bắt nguồn từ khi Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế. Trong số thập đại đệ tử của Người thì có Tôn Giả Đại Hiếu Mục Kiền Liên. Khi Tôn Giả tu thành chính quả, đã sử dụng Thiên Nhãn để xem thân mẫu hiện giờ ra sao.

Tôn Giả nhìn thấy mẹ mình là bà Thanh Đề bị biến thành quỷ đói và bị giam tại A Tỳ địa ngục. Ông liền dùng phép thuật để đưa tới cho bà một bát cơm, nhưng tính bà bủn xỉn, liền 1 tay che bát lại, 1 tay bốc cơm nhưng khi đưa tới miệng thì tất cả đều bị hóa thành than.

Tôn Giả khi tới diện kiến Đức Phật, được Người dạy rằng: hãy chuẩn bị đầy đủ thức ăn, quần áo, chăn màn, giường chiếu để cúng giàng chư vị Tăng Ni vào rằm tháng 7, để họ lập trai đàn cầu siêu. Như vậy linh hồn của bà Thanh Đề mới được siêu thoát.

Đức Phật cúng dạy rằng: chúng sinh trên dương thế, vào ngày rằm tháng 7, hãy đặt thức ăn muốn dâng cúng vào bồn để cúng giàng thập phương tự tứ tăng chúng, để cầu siêu giúp cho bố mẹ còn tại thế sẽ được khỏe mạnh, chống được bệnh tật, tai qua nạn khỏi. Cửu Huyền Thất Tổ đã quá cố sẽ được siêu thoát, đầu thai kiếp khác.

Hằng năm, cứ tới ngày rằm tháng 7, mọi người sẽ chuẩn bị lễ vật để tỏ lòng hiếu thảo với bố mẹ cũng như ông bà đã quá cố.

Rằm tháng 7 trở thành ngày tổ chức lễ Vu Lan Báo Hiếu và ngày này dần trở thành dịp lễ, tết cũng như phong tục không thể thiếu trong tục của người Việt Nam chúng ta.

Ý nghĩa Bông Hồng Cài Áo là gì và bắt nguồn từ đâu?

Lễ “Bông Hồng Cài Áo” được bắt đầu từ năm 1962 và được khởi nguồn bởi Hòa Thượng Thích Nhật Hạnh.

Trong một lần Ngài sang Nhật Bản vào đúng ngày Mother Day (Ngày của Mẹ), thì ông thấy họ cài lên áo một bông hồng để tưởng nhớ đến công ơn dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. Thấy đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa, nên ông đã đưa việc làm này về Việt Nam. Và đưa việc “Bông Hồng Cài Áo” thành truyền thống tốt đẹp của đất nước chúng ta cho tới ngày nay.

Ngoài ra, cũng bởi hoa hồng là loài hoa thông dùng, dễ thương và được tất cả mọi người yêu thích. Thế nên Hòa Thượng đã chọn chúng để làm biểu tượng cho sự ghi nhớ, lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành.

Và theo tục lệ đó, những người còn cha mẹ sẽ cài bông hồng màu đỏ, còn những ai đã mất đi cha mẹ, thì sẽ cài bông hồng màu trắng lên ngực của mình để nhớ ơn sinh thành, dưỡng dục của đấng sinh thành.

Thực hiện: Văn Thu

Một số hình ảnh tại Đại Lễ Vu Lan