Châu Á được xem như là cái nôi của Phật giáo với nhiều giá trị tốt đẹp vẫn còn được lưu giữ qua bao biến thiên của lịch sử. Và trong những năm gần đây, trước sự tác động của vòng xoáy kinh tế, Phật giáo khu vực này dần dần có những điều chỉnh phù hợp để tồn tại và song hành với đời sống của số đông.
Phật tử lễ Phật trong dịp đến với hội chợ Phật giáo tại Singapore
Vài góc nhìn thoáng qua dưới đây phần nào cho thấy điều đó.
Cà-phê Starbucks trong chùa
Trong khu vực, Đài Loan được xem như là một hòn đảo phồn thịnh với đời sống phát triển. Nhờ vậy mà sinh hoạt Phật giáo ở đây ít nhiều có những canh tân. Chỉ cần đi dọc vùng đất này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra những ngôi đại tự được xây dựng nguy nga, tráng lệ trên những khu đất rộng hàng chục hecta. Các ngôi chùa như Phật Quang Sơn ở thành phố Cao Hùng, Trung Đài Thiền Tự hay Linh Nham Sơn Tự ở Đài Trung, Pháp Cổ Sơn ở Đài Bắc là những biểu tượng của Phật giáo Đài Loan, thể hiện tinh thần nhập thế cao độ và vươn tầm ra khỏi một cơ sở tôn giáo thuần túy.
Khi đến Phật Quang Sơn (Cao Hùng), có lẽ chư Tăng Ni cũng như nhiều khách hành hương từ phương xa sẽ vô cùng ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ hiện đại của ngôi chùa nổi tiếng này. Không những thế, trong quần thể được gọi là Trung tâm Tưởng niệm Đức Phật có sự hiện diện của những nhà hàng sang trọng, khách sạn cao cấp, các cửa hàng thực phẩm với thương hiệu nổi tiếng và cả cửa hàng cà-phê hàng đầu thế giới Starbucks...
Bỏ qua những khía cạnh về thương mại và lợi nhuận, hình ảnh của nhãn hiệu cà-phê được giới trẻ cả Âu lẫn Á ưa chuộng ngày nay hiện diện trong chùa tạo nên sự tươi mới và gần gũi của không gian này. Hiển nhiên cửa hàng cà-phê sẽ phải chọn lựa các thức uống và thực phẩm cung ứng chay tịnh, phù hợp với vị trí đặc biệt so với những địa điểm bình thường khác ở những chốn đông đúc. Nhờ thế mà chỉ một thời gian ngắn có mặt, cửa hàng cà-phê này đã thu hút khá đông thực khách khi đến tham quan và viếng cảnh chùa, nhất là giới trẻ.
Cà-phê Starbucks trong Phật Quang Sơn
Tại Phật Quang Sơn, không chỉ có cà-phê Starbucks mà còn có cả rạp chiếu phim Phật giáo 4D, có viện bảo tàng hiện đại mà tiếng Anh, Hoa luôn được sử dụng song hành, trong đó các vị hướng dẫn tham quan thường là sư cô hoặc Phật tử thâm tín.
Khi được hỏi về về những sự cách tân mới mẻ và hiện đại này, Sư cô Pháp Tịnh, một vị hướng dẫn đoàn tại Phật Quang Sơn cho biết, chúng được kiến tạo để thu hút giới trẻ đến với Phật giáo. “HT.Tinh Vân, vị Thầy của chúng tôi, luôn quan tâm đến việc truyền bá Chánh pháp đến các thế hệ trẻ nên ngài luôn thao thức làm sao để người trẻ ngày tới chùa đông đảo trong tâm trạng thoải mái và nhiều thích ứng. Vì thế, các cơ sở Phật Quang Sơn ở Đài Loan và khắp nơi trên thế giới luôn được đầu tư xây dựng theo phong cách hiện đại và tiện ích nhất”, Sư cô Pháp Tịnh giải thích thêm.
Một kiểu Phật giáo liên kết
Có thể thấy, xu hướng liên kết các tổ chức Phật giáo trong khu vực đang là một xu hướng tất yếu và cần thiết, bởi lẽ Phật giáo dần dần cần được hành động như một tập thể vì số đông.
Vì bối cảnh lịch sử, văn hóa và ý thức hệ nên Phật giáo ở nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore, Đài Loan, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản không có tổ chức Phật giáo mang tính đại diện cho một quốc gia mà chỉ là các Giáo hội, các hội đoàn độc lập. Hoặc nếu có thì vai trò tập hợp và cùng chung hành động không được thể hiện rõ nét. Do vậy, các quyết sách được đưa ra không tạo hiệu ứng chung và thúc đẩy cả hệ thống Phật giáo tiến bước.
Singapore là một ví dụ điển hình. Đảo quốc này cũng có Liên đoàn Phật giáo (Singapore Buddhist Federation) là nơi tập hợp các hội đoàn, các tổ chức Phật giáo cả nước, vận hành theo cơ chế nhiệm kỳ 2 năm. Tuy nhiên, Liên đoàn chỉ hiện hữu mang tính hình thức mà không được tạo dựng như một tổ chức Phật giáo mạnh mẽ, đại diện cho cả quốc gia. Trong khi đó, tự thân các hội đoàn Phật giáo thành viên tồn tại độc lập, phải tự lực hình thành, hoạt động và phát triển mà không có một sự trợ giúp giá trị nào từ Liên đoàn.
Đó là lý do mà nhu cầu liên kết Phật giáo tại các quốc gia này trở nên thiết yếu. Liên kết để chia sẻ các giá trị trong lời dạy của Đức Phật, để trao đổi kinh nghiệm hoằng truyền giáo lý, để cùng nhau trụ vững trước sự biến đổi không ngừng của đời sống kinh tế và để giảm đi các chi phí không cần thiết giữa một xã hội mà mọi thứ đều phải quy ra bằng tiền.
Một hội chợ Phật giáo được tổ chức tại nơi công cộng tại Singapore
Nhờ liên kết nên dù không có một Giáo hội quốc gia, nhưng tại các nước như Singapore, Malaysia, Indonesia v.v… phong trào tu học, sự giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm hoằng pháp luôn sôi nổi và chủ động. Khả năng tự điều hành và quán xuyến các công tác Phật sự tại mỗi cơ sở được tăng cường. Nhờ vậy hàng ngày, có nhiều khóa tu học diễn ra, các buổi thuyết giảng có sự tham gia của nhiều giảng sư nổi tiếng khắp thế giới liên tục được tổ chức thu hút đông đảo thính chúng.
Phật tử trẻ dấn thân
Sinh hoạt của Phật tử trẻ là mối lưu tâm hàng đầu của Phật giáo ở nhiều quốc gia trong khu vực. Chú trọng đến người trẻ, đây được xem như bước đi đúng đắn và cần được đầu tư để tạo sự vững bền của Phật giáo ở tương lai.
Ngày nay, tư tưởng người trẻ khá cởi mở. Họ đi đến chùa đôi khi không phải để cầu nguyện mà để tìm chút bình an và tỉnh thức giữa sự xô bồ của cuộc sống. Nhận thức được vấn đề, nhiều tổ chức Phật giáo dành cho người trẻ được thành lập và liên tục đưa ra các hoạt động mang tính mới mẻ và thân thiện bằng các buổi giao lưu, huấn luyện, thiền tập, thuyết giảng, chia sẻ giá trị sống, hoạt động xã hội, dã ngoại và liên kết quốc tế.
Tại Singapore, một đảo quốc khá nhỏ với khoảng 6 triệu dân nhưng đã có gần 40 hội đoàn Phật giáo dành cho người trẻ hiện diện tại các ngôi chùa lớn, các trung tâm nghiên cứu Phật học và các trường đại học danh tiếng như NUS, Nanyang. Sinh hoạt của những tổ chức này khá phong phú, đa dạng và được tổ chức theo hình thức mở để bất cứ bạn trẻ nào được dịp tiếp cận cũng có thể tham gia. Những ngày lễ lớn như Phật đản, Vu lan là dịp mà các tổ chức này hoạt động sôi nổi và rộn ràng. Họ tổ chức những hội chợ Phật giáo nơi công cộng, thành lập các ban nhạc đường phố biểu diễn các ca khúc Phật giáo, tiến hành các công tác gây quỹ để phát triển và làm công tác xã hội.
Có một điểm đặc biệt là các tổ chức Phật giáo trẻ này do chính người trẻ điều hành theo nhiệm kỳ. Họ ứng cử và nếu được chọn sẽ tự hoạch định chương trình, điều hành hoạt động tổ chức của mình trong thời gian được tín nhiệm. Song song đó là sự hỗ trợ về tài chính và kỹ năng từ các giáo sư đại học, các chuyên gia thâm tín Phật giáo trên nhiều lĩnh vực. Ngay cả việc liên kết quốc tế và tổ chức những hoạt động giao lưu với sự tham dự của các Phật tử trẻ từ các nước láng giềng cũng do người trẻ đảm trách.
Một ban nhạc đường phố của nhóm Phật tử trẻ chùa Vimalakirti - Singapore
Nói về quan điểm Phật giáo hướng đến người trẻ, Chin Wy, một chuyên gia xã hội học và cũng là một Phật tử thuần thành trên đảo quốc với sứ mạng liên kết các nhóm Phật tử trẻ cho rằng tập trung vào người trẻ mang tính sống còn của Phật giáo, ở đó Phật giáo không nên câu nệ hình thức, không nên phô diễn các lễ nghi rườm rà mà phải chỉ ra các lợi ích sẽ mang lại cho người trẻ. Mang tâm niệm đó, cô và nhiều cộng sự đã hoạt động không mệt mỏi trong suốt nhiều năm liền và đến nay, họ đã kết nối khá vững chắc nhiều hội đoàn Phật tử trẻ không chỉ ở Singapore mà còn lan ra cả Malaysia, Indonesia và Thái Lan.
Bảo Thiên
Nguồn: giacngo.vn