Ông Phán đang nằm lim dim trên võng giăng ngoài vườn, bà Phán từ trong nhà đi ra kêu ông, nói:
- Ông ơi! Chị Ba mất rồi!
Ông Phán không ngạc nhiên cũng không xúc động trước cái tin “tử biệt” đó.
- Ông ơi! Chị Ba mất rồi!
Ông Phán không ngạc nhiên cũng không xúc động trước cái tin “tử biệt” đó.
Bà Ba Huê là chị ruột ông Phán, đã ngoài tám mươi tuổi, bị lú lẫn, một chứng bệnh thường thấy ở người cao tuổi. Gần một năm nay bà lại bị tai biến nặng, nằm liệt giường, ăn uống phải đút, tiêu tiểu tại chỗ rất bất tiện. Vợ chồng Bảy Lẹ lại quá hời hợt, nuôi nấng chăm sóc bà không kỹ lưỡng chu đáo nên vùng lưng và mông của bà bị lở loét hôi hám. Những vết lở loét đó lại hành hạ bà Ba khiến bà luôn kêu la rên rỉ do đau nhức! Lần nào thăm bà, ông Phán cũng xót xa xúc động không cầm được nước mắt. Ông khóc không phải vì sợ bà chết, sợ vĩnh biệt người chị thân yêu mà khóc vì nghiệp lực của bà quá nặng, vì sự đau khổ cùng tột của bà nên đôi khi ông còn cầu mong cuộc sống thực vật đó kết thúc càng sớm càng tốt.
- Chị Ba mất hồi nào? Sao bà biết? - ông Phán hỏi vợ.
- Con Lưu điện thoại cho hay chỉ mới mất - bà Phán đáp. Nó còn kêu ông xuống sớm sắp xếp dùm đám tang.
Ông Phán đưa tay coi đồng hồ, mười một giờ ba mươi.
- Sớm muộn gì cũng phải xuống, còn sắp xếp thì… - ông khẽ thở dài - thằng Lẹ nó có nghe lời tui đâu mà sắp với xếp!
Ông Phán thay đồ. Trước khi đi, ông đốt ba cây nhang, đến trước bàn thờ Phật cung kính, lâm râm khấn nguyện.
***
Hay tin bà Ba mất, hàng xóm và thân nhân lần lượt đến nhà Bảy Lẹ thăm hỏi và phụ giúp việc ma chay. Ở nông thôn, cái tình làng nghĩa xóm thường được thể hiện vào lúc này, không ai mời vẫn đến, đến bằng sự tự nguyện và lòng nhiệt tình, “tối lửa tắt đèn có nhau”. Đây cũng là một cách vần công. Ai không có gia đình cha mẹ vợ con? Ai không một lần chết trong đời! Hôm nay mình phụ giúp người ta, mai mốt người ta sẽ phụ giúp mình, “có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Anh lái bò Ba Sanh hỏi Bảy Lẹ:
- Hôm trước anh có nhờ tui kiếm cho anh một con bò, tui đã kiếm được con đực cồ, anh bắt không?
- Bắt! Bắt chớ! Hiện giờ nó đang ở đâu? - Bảy Lẹ nhanh nhẩu.
Ba Sanh nói:
- Nó đang ở nhà tui. Vậy là tui dắt nó lên cho anh hén?
Chị Hai Lưu bước tới, cản:
- Thôi đi! Đứng dắt lên, cậu Ba.
- Tại sao vậy? - Bảy Lẹ trố mắt hỏi chị Lưu. Chị giải thích:
- Má đã quy y thọ giới, ăn chay niệm Phật nên má muốn khi má mất chị em mình làm chay cho má.
Bảy Lẹ lắc đầu:
- Chuyện đó má nói với chị chớ đâu có nói với tui? Hơn nữa, má ở với tui chớ không ở với chị và dù má có nói như vậy tui cũng làm theo thông lệ.
Chị Lưu cố thuyết phục:
- Nếu không làm chay cậu cũng nên cắt thịt chợ chớ đừng sát sanh hại vật tạo nghiệp ác má sẽ khó vãng sanh Tây phương Cực lạc.
Bảy Lẹ bật cười chế giễu:
- Tây phương hay Tây Ninh? Tây phương ở đâu? Hồi nào tới giờ chị có thấy ai tu được về Tây phương chưa?
Chị Lưu nín thinh, Bảy Lẹ nói tiếp:
- Nhảm nhí! Chết là hết. Lo cho người chết chẳng lợi lộc gì còn bị mang tiếng đám ma đãi toàn tàu hủ với tương chao mà xòe tay nhận tiền răn rắt. Vật dưỡng nhơn. Nếu sát sanh có tội thì tui chịu chớ má làm gì chịu. Má lại là người cố cựu, quen biết nhiều, dòng họ đông, con cháu đầy đàn đầy đống mà cắt thịt chợ chịu sao cho nổi. Làm bò còn té được bộ da, bộ xương, bộ lòng không đỡ hơn, lời hơn cắt thịt chợ sao?
- Nhưng tui vẫn sợ…
- Sợ gì? - Bảy Lẹ gạt ngang. Đèn nhà ai nấy sáng. Chuyện tui làm tui biết, chị đừng xía vô.
Ba Sanh thúc giục:
- Sao? Bắt hay không kết thúc đi?
- Tui nói bắt là bắt - Bảy Lẹ dứt khoát. Anh về dẫn nó lên cho tui ngay đi.
Chị Lưu giận dỗi bỏ đi.
Bảy Lẹ còn mượn người đến nhà Tư Danh bắt thêm con heo, mượn thợ nấu, mượn người hợp đồng với trại hòm từ A đến Z, mượn người đi rước Tăng Ni tụng kinh; coi ngày giờ tẩn liệm và chôn cất bà Ba. Mọi việc đều được thực hiện trôi chảy, chỉ trở ngại việc rước Tăng Ni do hồi nào tới giờ Bảy Lẹ ngang ngược ngổ ngáo, không tin Trời Phật, thường chế nhạo, báng bổ Tăng Ni. Không rước được Tăng Ni, Bảy Lẹ thế vào bằng ông thầy đám Sáu Be.
Khuyên can Bảy Lẹ không được, chị Lưu cầu cứu ông Phán. Chị hy vọng tiếng nói của người bề trên sẽ có trọng lượng, sẽ thuyết phục được Bảy Lẹ. Chị nói hết sự tình và nỗi buồn nỗi lo của mình cho ông Phán nghe. Ông trầm ngâm một hồi mới nói:
- Bây không nói tao cũng dư biết thằng Lẹ đang nghĩ gì và làm gì. Hồi mẹ còn sống không quan tâm chăm sóc, đến khi mẹ mất lại làm đám thật to để che mắt thế gian, trục lợi. Ý nó đã muốn rồi thì ông trời nhảy xuống cản nó cũng không nghe chớ nói gì tao. Thây kệ nó! Nó muốn làm cứ để nó làm, lợi nó hưởng hại nó chịu. Tao chỉ có thể giúp tụi bây được một việc là nhờ Tăng Ni Phật tử các chùa tao quen đến tụng kinh siêu độ cho chị Ba. Bây cũng vậy, cứ lo tròn bổn phận của bây đi.
***
Sáu giờ chiều tẩn liệm bà Ba. Con cháu bà đứng chật gian nhà. Lúc bà còn sống, không ai biết trân trọng thương yêu, quan tâm chăm sóc, đến khi nhân viên mai táng đưa xác bà vô quan tài họ mới khóc than, kể lể, kêu gào. Ông Phán và chị Lưu can ngăn thế nào cũng không được.
Vừa liệm bà Ba xong, ở ngoài vườn, con bò con heo lập tức bị đập đầu, đâm họng ngay. Con bò bự quá, ba Sanh và bốn năm người nữa vật nó trần ai. Đập đầu nó hai ba chày nó vẫn không chịu chết còn rống ò ò nghe rợn tóc gáy, nổi ốc cục. Con heo cũng la eng éc chói tai. Con nít chạy ra coi rần rần, ông Phán lắc đầu, chị Hai Lưu ngồi chống tay lên cằm buồn hiu.
Ngày đầu, hàng xóm và thân nhân của bà Ba đến chia buồn phúng điếu khá đông, ngồi kín nhà tiệc. Ban nhạc lễ làm việc liên tục, dân dọn chen chân, lách mình đãi khách. Thức ăn đầy dĩa đầy tô, nóng hổi, thơm phức. Đàn ông uống rượu đế, đàn bà uống xá xị. Ông Phán cũng lăng xăng tiếp đãi những người bạn già và Tăng Ni Phật tử. Bận rộn nhứt là Bảy Lẹ. Bàn này kêu, bàn kia hú. Anh ta đi từng bàn niềm nở chào khách, nói lời cảm tạ. Bàn nào anh ta cũng uống ít nhất nửa ly rượu giao lưu, miệng nhai mồi ngồm ngoàm, ngoại trừ mấy bàn phụ nữ. Trông anh ta không giống người con mất mẹ và đang chịu tang dù quan tài bà Ba sừng sững giữa nhà, anh ta đang mặc đồ tang và đội khăn tang trên đầu.
Chị Lưu không tham gia tiếp khách mà đứng hầu bên quan tài chờ đáp lễ những người phúng điếu. Chị ăn chay và tự làm đồ chay cúng bà Ba, kiên quyết không cho Bảy Lẹ cúng đồ mặn. Trong ba đêm liền, mọi người mệt mỏi ngủ la liệt còn chị thức suốt, đốt nhang lạy Phật cầu nguyện cho mẹ. Mệt mỏi, chị nằm cạnh quan tài nghỉ lưng giây lát rồi tiếp tục làm nhiệm vụ. Nhờ vậy mà bàn thờ bà Ba không bị nhang tàn khói lạnh.
Ban đêm, Bảy Lẹ kêu ban nhạc lễ cùng đám đờn ca địa phương chơi văn nghệ. Lúc đầu họ chơi khá nghiêm chỉnh, có bài bản, nội dung tương đối phù hợp với đám tang. Nhưng, càng về sau càng bát nháo. Người nào lên ca cũng có rượu. Người ca nhạc đỏ, người ca nhạc vàng rồi đến nhạc chế, nhạc giựt gân, nhạc hip hop loạn xà ngầu. Vừa ca vừa la hét và nhảy cóc nhảy nhái không giống ai, biến nơi đau thương buồn bã thành nơi vui chơi xô bồ xô bộn! Nếu chỉ nghe mà không thấy tận mắt, bảo đảm ai cũng tưởng đây là tụ điểm ca nhạc hoặc đám cưới đám nói chớ không phải đám tang. Khách khứa lần lượt bỏ ra về gần hết vì chịu không nổi sự tra tấn của cái cảnh chướng tai gai mắt đó!
Bảy Lẹ đã chuếnh choáng. Anh ta bước thấp bước cao vô nhà đánh thức lão thầy đám Sáu Be đang ngủ khò trên bộ ngựa.
- Ê! Dậy! Dậy tụng kinh cha nội!
Sáu Be ngồi dậy. Bảy Lẹ điểm mặt lão, nói:
- Tui mướn ông đến đây tụng kinh cho má tui chớ đâu có mướn ông đến đây đặng ngủ?
Sáu Be phân bua:
- Tại mấy ông đờn ca ì xèo tụng không được tui mới ngủ chớ bộ.
Bảy Lẹ nạt:
- Ông làm biếng thì có! Đừng đổ thừa!
Sáu Be lầm lũi đi kiếm nước rửa mặt rồi vô mặc áo tràng, đến bàn Phật đốt nhang, đánh chuông gõ mõ tụng kinh. Chị Lưu cùng vài người con cháu bà Ba quỳ sau lưng lão và sụp lạy theo từng tiếng chuông lão gõ, còn Bảy Lẹ đã thế chỗ của lão nằm nãy giờ. Cho đến lúc này, tiếng chuông tiếng mõ và tiếng tụng kinh đều đều của lão Sáu Be mới đưa khu nhà tiệc trở về với không khí của một đám tang.
Do để bốn ngày mới chôn cất nên những ngày sau khá buồn tẻ, người đến phúng điếu lác đác như chim lá rụng, lưa thưa như giọt cà-phê phin. Mấy nhạc công trong ban nhạc lễ không có việc làm bèn quay qua chơi bài tiến lên để giết thì giờ nhàn rỗi. Ban đêm đông người hơn nhưng người ta đến chủ yếu để nghe đờn ca, coi ban nhạc lễ xổ lầu tấu, cúng tọa sàng, hát nam hát khách rồi về. Từ nửa đêm về sáng là thời gian dành cho lão Sáu Be làm nhiệm vụ. Tiếng chuông tiếng mõ lại vang lên, ngân nga trong đêm khuya thanh vắng, xua tan trần cấu, trả lại sự trong sáng thanh tịnh trong lòng mọi người. Bất ngờ! Bảy Lẹ khật khưỡng đến quỳ trước quan tài bà Ba, lạy một hồi rồi ngồi lên hai gót chân, chống hai tay lên hai gối, nhìn chăm chăm di ảnh bà, sụt sịt khóc như đứa trẻ có lỗi xin được mẹ tha thứ. Chị Lưu hỏi ông Phán:
- Nó khóc hay rượu khóc, cậu Tám?
Ông Phán mỉm cười, khẳng định:
- Nó khóc!
Chị Lưu nghi ngờ. Trái tim của Bảy Lẹ chứa toàn tham sân si, xơ cứng từ lâu, không lẽ thay đổi mau đến thế? Ông Phán lại nghĩ khác. Bằng một động tác đơn giản nhẹ nhàng, người ta có thể lật qua lật lại bàn tay dễ dàng nhanh chóng. Tiếng chuông của thầy Sáu Be cũng thế, nó đã làm cho Bảy Lẹ tỉnh ngộ, sám trừ tội trước, hối cải lỗi sau cho nên những giọt nước mắt của anh ta không tuôn ra từ tuyến nước mắt mà tuôn ra từ tận cùng sâu thẳm của con tim.
Truyện ngắn Trương Hoàng Minh