Một Bài Học Về Cách Giữ Gìn Di Sản Văn Hóa Dân Tộc

Một Bài Học Về Cách Giữ Gìn Di Sản Văn Hóa Dân Tộc

ừa qua, nhiều người đã sững sờ trước thông tin về một nhóm thợ nhiệt tình nhưng thiếu nhận thức đã “làm vệ sinh” cho bia đá cổ Sùng Thiện Diên Linh tại chùa Long Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) - bảo vật quốc gia vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận cuối năm 2013, để chuẩn bị lễ đón nhận danh hiệu vào ngày 18-4.

Bia di tích - bảo vật quốc gia bị cào nát đau lòng - Ảnh: VOV

Bia Sùng Thiện Diên Linh là một di sản đặc biệt, lưu giữ nhiều thông tin hết sức quý giá liên quan đến một số nhân vật lịch sử và văn hóa, tôn giáo của nước ta thời Lý. Bia được dựng vào năm 1121, do vua Lý Nhân Tông ngự chỉ tôn tạo, Hình bộ Thượng thư Nguyễn Công Bật soạn văn bia và Thượng thư Bộ Công Lý Bảo Cung viết chữ để khắc, khác hẳn các bia thời Lý khác thường do các quan đại thần, hoặc các thiền sư hay người dân phát tâm.

Bia Sùng Thiện Diên Linh cao 2,5m, rộng 1,75m, dày 30cm, gồm 3 phần: bia, đài bia và đế bia đều được tạc bằng đá xanh. Bia được khắc chữ cả hai mặt, mặt trước tổng cộng có 4.257 chữ Hán. Mặt sau của bia độc đáo ở chỗ có nhiều nội dung và niên đại khác nhau (năm 1121, 1591, 1698) được thể hiện. Đặc biệt, mặt sau của tấm bia có khắc bài thơ của hoàng đế Lê Thánh Tông ngự đề khi lên chùa Long Đọi thăm viếng và lễ Phật (vào năm thứ 8 niên hiệu Quang Thuận - 1467).

Như chúng ta đã biết, với chính sách khốc liệt của nhà Minh xâm lược, nên những di sản văn tự của dân tộc và Phật giáo Việt Nam trước thế kỷ thứ XV đã bị tàn phá, hủy hoại gần như hoàn toàn. Những gì còn sót lại, như bia đá Sùng Thiện Diên Linh là rất hiếm hoi.

Nội dung trong văn bia là tư liệu lịch sử quý giúp hậu thế hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của hoàng đế Lý Nhân Tông và Thái úy Lý Thường Kiệt, đồng thời phản ánh nền tảng tư tưởng Phật giáo đã ảnh hưởng lên hệ thống chính trị, đạo đức xã hội ở một giai đoạn độc lập và xây dựng đất nước được đánh giá là “thuần từ nhất” trong lịch sử.

Bên cạnh đó, văn bia còn ghi lại nhiều tư liệu lịch sử quý về nghệ thuật điêu khắc kiến trúc xây dựng các ngôi chùa nổi tiếng như chùa Diên Hựu (Một Cột), chùa Long Đọi, tháp Sùng Thiện Diên Linh…, đặc biệt là Hội đèn Quảng Chiếu ở hoàng thành Thăng Long, một sự kết hợp hai tính chất Phật giáo và thế tục hài hòa. Văn bia cũng đã đề cập đến nghệ thuật múa rối nước - một loại hình nghệ thuật đặc sắc của tổ tiên chúng ta. Đó là chưa nói đến những giá trị vượt thời gian thể hiện qua các hình tượng mỹ thuật, phản ánh một giai đoạn đất nước thái bình, nhân dân an lạc và tâm nguyện tha thiết của người lãnh đạo cao nhất đất nước thời bấy giờ - vị hoàng đế thứ tư nhà Lý nước Đại Việt ảnh hưởng tư tưởng và lối sống đạo đức Phật giáo.

Nói hơi dài dòng như thế, mới đồng cảm thái độ bức xúc của nhiều người khi những người có trách nhiệm quản lý, giữ gìn di sản - bảo vật quốc gia này lơi lỏng, thờ ơ để cho nhóm thợ nhiệt tình nhưng thiếu hiểu biết dùng các vật dụng làm vệ sinh bình thường chà xát lên hai mặt bia, làm trầy xước, mất hình dáng một số chi tiết về văn tự và mỹ thuật của bảo vật gần 1.000 năm tuổi này.

Thiết nghĩ, đối với các di sản được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia, cần phải có chính sách giữ gìn đặc biệt, tránh những điều đáng tiếc, đừng để di sản - phần hồn của văn hóa dân tộc bị hủy hoại do sự thờ ơ, thiếu hiểu biết như đã xảy ra đối với văn bia Sùng Thiện Diên Linh vừa qua.

Hoàng Độ

(Theo giacngo)