Những Ngôi Chùa Việt Hướng Ra Biển Đông

Những Ngôi Chùa Việt Hướng Ra Biển Đông

"Mái Chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” (Huyền Không).

Nằm bên biển Đông thiêng liêng, vị thế của các ngôi chùa như uy nghi hơn, vẻ đẹp dường như được tôn lên giữa khung cảnh biển trời hùng vĩ…

Chùa là chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Trên dọc dải đất hình chữ S, từ đồng bằng đến miền núi, từ đất liền đến hải đảo, hàng trăm ngôi chùa đã được xây dựng trong một quá trình lịch sử lâu dài. Trong đó, có những ngôi chùa thật đặc biệt khi được xây dựng bên bờ biển, với tầm nhìn hướng về biển cả bao la. Nằm bên biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc, vị thế của các ngôi chùa như uy nghi hơn, vẻ đẹp như được tôn lên giữa khung cảnh biển trời thật hùng vĩ…

1- Chùa Sông Ngư (Thị Xã Cửa Lò, Nghệ An):

Được xây dựng từ thời Nhà Trần, chùa tọa lạc trên khu đất có hình rẻ quạt rộng khảng 3 ha trên đảo Sông Ngư. Do nằm trên tuyến đường biển nhộn nhịp, chùa là nơi các nhà buôn và ngư dân vào dâng hương cầu xin trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, buôn bán may mắn. Vào những ngày gió bão, bãi biển gần chùa còn là nơi trú ngụ của tàu thuyền phương xa.

Giếng thần

Ở sân chùa có một giếng nước, được gọi là “giếng Thần” vì đây là nơi duy nhất trên đảo có nước ngọt. Phía sau chùa mấy trăm mét có một bãi toàn đá cuội gọi là bãi tắm Tiên rất đẹp.

2- Trúc Lâm Tịnh viện (Đảo Hòn Tre, Phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa):

Được xây dựng từ tháng 1/2007-9/2008 và được công nhận là ngôi chùa trên đảo lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Chùa có mặt tiền nhìn ra biển Đông theo hướng Đông Bắc, mặt sau là vách núi.


Cổng Tam quan


Toàn Cảnh Trúc Lâm Tịnh Viện

Chùa có xây dựng tượng đài Quan Âm Nam Hải bằng đá bạch thạch Nghệ An được tôn trí trong hoa viên có chiều cao 8m, nhìn ra biển cả. Chùa mang dáng dấp uy nghiêm, thanh thoát của một ngôi chùa cổ kính miền Bắc vừa là một thắng cảnh du lịch đẹp với du khách, vừa là điểm đến tâm linh của Phật tử mọi miền.

3- Chùa Hang (hay Cổ Thạch Tự) (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận):

Được xây dựng từ nửa đầu thế kỷ 19 ở độ cao 64m trên vùng núi đá Cổ Thạch. Chùa hướng thẳng ra biển với vẻ uy nghi cùng những đường nét kiến trúc hoa mỹ. Phong cảnh thiên nhiên tĩnh mịch khiến ngôi chùa này trở thành nơi lập chùa và tu hành của các như sư từ 2 thế kỷ trước. Từ đó, chùa Hang đã được xây dựng với hàng chục công trình kiến trúc trải rộng trên khu vùng núi đá rộng 4ha.


Chùa hướng ra biển Đông


Cảnh quan của Chùa

Ngoài vẻ đẹp kiến trúc cùng cảnh sắc thiên nhiên ký thú, chùa Hang còn là nơi lưu giữ nhiều di sản văn hoá giá trị như nhiều câu đối, hoành phi, những tài liệu có từ ngày tạo lập chùa, chiếc Đại Hồng chung và trống sấm có niên đại từ thế kỷ 19. Ngày nay chùa Hang là điểm du lịch quan trọng của tỉnh Bình Thuận, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, lễ bái mỗi năm.

4- Niết Bàn Tịnh Xá (hay Chùa Phật Nằm) (đường Hạ Long, phường 1, TP. Vũng Tàu):

Được xây dựng từ năm 1969 - 1974, đây là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc và tác phẩm điêu khắc đặc sắc.

Nổi bật trong kiến trúc chùa là bức tượng Phật Nằm dài 12m được đặt lên bệ thờ cao 2,5m ở Chánh điện. Mặt ngoài của bệ thờ có đắp hình tượng các đệ tử của Phật Thích Ca đang chứng kiến lúc Ngài nhập định.


Nét kiến trúc của Chùa


Tượng Phật nhập Niết Bàn

Với một phong cách kiến trúc đặc biệt và tọa lạc ở một vị trí đẹp của Vũng Tàu, Niết Bàn Tịnh Xá là một thắng cảnh nổi tiếng mà nhiều du khách, Phật tử ở mọi miền đất nước mong được một lần vãn cảnh, chiêm bái.

5- Những ngôi chùa ở quần đảo Trường Sa:

Hiện nay trên các đảo Trường Sa đã xuất hiện nhiều ngôi chùa rất đẹp và uy nghi. Ngoài Song Tử Tây thì những ngôi chùa tại đảo Trường Sa Lớn, Nam Yết, Sinh Tồn… cũng đã được trùng tu xây dựng khang trang, bề thế, để các Phật tử trên đảo và những ngư dân thường xuyên khai thác hải sản gần khu vực quần đảo Trường Sa tới thắp hương lễ Phật vào những tuần lễ tiết…

Trong mỗi ngôi chùa đều có những câu đối bằng chữ quốc ngữ, vừa nói lên sức cảm hóa to lớn của đạo Phật, vừa khẳng định chủ quyền đã có tự ngàn xưa của người Việt trên mảnh đất tiền tiêu hải đảo như: “Uy thần biển đảo cổ vẫn truyền/Chùa Phật Trường Sa nay còn tỏ” hay “Quần đảo huy hoàng chất ngất biển Đông ngời thắng cảnh/Chùa chiền sừng sững nguy nga đất Việt nổi danh lam”.


Một ngôi chùa trên Trường Sa Lớn


Lễ Cầu Siêu tại Chùa Sông Tử Tây

Sừng sững trước phong ba bão táp, những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa gắn liền với sự có mặt của người Việt tại đây và thể hiện sức mạnh tinh thần to lớn của dân tộc Việt.

Người Việt có câu “đất vua, chùa làng”. Vì vậy tự ngàn đời, trong tâm thức của con dân nước Việt, ngôi chùa chính là hình ảnh biểu trưng cho sự nương tựa tinh thần, là chốn tâm linh để lương dân ngưỡng vọng, thờ phụng giữ gìn lẽ sống từ bi. Với người Việt, đạo Phật không chỉ là một tôn giáo hay tín ngưỡng mà từ lâu còn là một nét văn hóa. Ở đâu có làng của người Việt ở đó có chùa cùng với những sinh hoạt tín ngưỡng.

(Nguồn: Tổng Hợp)