Người ta nói rằng gả con ở nơi gần còn có bát canh mà ăn, ai nói không đúng chứ với bà Mỹ thì điều đó chắc chắn như là hạt bắp khô. Con gái mà, Thùy lấy chồng tận Sài Gòn, còn bà thì ở tận Hà Nội.
Khoảng cách để đi thăm con là 1.145,94km - tính theo đường chim bay, đó không phải là một khoảng cách gần. Bà nhủ, tại sao trai Hà Nội, trai Hà Nam hay trai Phú Thọ, Thái Bình… nói chung là trai gần không lấy mà lấy một anh chàng Sài Gòn? Muốn thăm con đi nhanh thì đi máy bay, cũng mất một giờ rưỡi bay, nhưng chưa kể chuyện phải ra sân bay sớm cả tiếng, chưa kể chuyện trục trặc thời tiết, máy bay không đúng hẹn. Đi rẻ thì đi xe lửa, phải mất cả mấy chục tiếng đồng hồ cho cuộc hành trình. Nói chung là xa quá.
Thùy gọi điện cho bà vào buổi tối, rất hồn nhiên, vì dù sao con nhỏ cũng là con gái rượu.
- Mẹ à, con mua máy bay giá rẻ cho mẹ rồi, tuần sau mẹ vào Sài Gòn chăm con giúp con nhé. Mẹ chăm cháu chừng một tháng giúp con mẹ nhé.
Nó không cần bà trả lời là bà có đồng ý không? Gác cái máy kêu một cái “cụp” sau khi đã chuyển tải đủ nội dung cần tìm.
Bà hưu cách đây năm tháng. Ngôi trường bà dạy không phải là ngôi trường lớn, nhưng lại là ngôi trường nằm ngay trong lòng phố. Đó là cái chỗ mà ai cũng muốn có một chân để dạy, cho nên việc bà về hưu khiến cho nhiều người vui. Cũng một buổi tiệc chia tay bình thường, sau đó là còn một mình bà với ngôi nhà rộng 40m2, đó là ngôi nhà được cấp nhờ thuở chồng bà còn sống được phân chia. Căn nhà này đầy ắp kỷ niệm của bà với gia đình hai vợ chồng và hai đứa con. Nhưng thời gian cứ như con sóng biển, phả lấp mãi những dấu chân người vội qua trên thềm cát, khiến cho tất cả đều thay đổi. May mà chồng bà chết khi hai đứa con đã xong đại học, chứ nếu lương giáo viên của bà thì bà không biết xoay xở làm sao. Thằng con trai lớn đi lao động ở Hàn Quốc rồi ở biệt bên đó luôn, bà còn mỗi cô con gái.
Rồi khi Thùy bảo rằng Thùy đã nhận việc ở Sài Gòn, bà chợt trống vắng. Bà cũng thầm mong là có một chàng trai Hà Nội nào đó đang làm việc ở Sài Gòn làm gục ngã trái tim nó, để kéo nó về lại gần bà. Nhưng điều hy vọng đó đã không xảy ra.
Thùy đưa Hân từ Sài Gòn ra Hà Nội gặp bà. Chàng trai cao ráo, nói giọng miền Nam rặt ấy dễ thương, dịu dàng. Hai đứa lấy xe chở nhau ra chợ, mua đồ ăn về nấu bữa cơm gia đình, bà buồn. Hai đứa ríu rít trong căn nhà, bà buồn. Bà buồn vì bà biết những vui tươi đó chỉ diễn ra thoáng chốc, nhưng bà giấu kín trong lòng.
Bà Mỹ không có nhiều bạn bè, sau khi hưu bạn bè lại càng ít hơn. Bà cũng không có nhiều quan hệ gia đình theo truyền thống. Bà sống theo một thời gian quy định của mình. Đó là nếu tiết trời không lạnh, bà sẽ thức dậy sớm, đi bộ một vòng phố, ra hồ Thuyền Quang, ngang ngay con đường Quang Trung có những cây hoa sữa cổ thụ cao vòi, rồi về nhà thu xếp chuyện gia đình, bà dành thời gian để viết một số bài viết cho tờ báo giáo dục mà bà yêu thích. Buổi tối bà thường xem ti-vi hoặc đọc sách. Bà sợ bóng tối nên hay bật đèn phòng khách sáng choang. Rồi cũng từ ngày con gái lấy chồng, bà có thói quen ngủ trên chiếc salon, ở đó như giấc ngủ của bà trọn vẹn hơn, như bà được che chắn hơn.
Vợ chồng Thùy làm ăn thành đạt. Chỉ mới ở Sài Gòn chưa tới chục năm, hai vợ chồng đã mua được nhà, căn nhà của con bé rộng trên trăm mét, dẫu là nhà ở chung cư nhưng rất đầy đủ tiện nghi. Thùy thiết kế sẵn một căn phòng cho mẹ, căn phòng có hành lang nhỏ nhìn ra bầu trời rộng của thành phố, để nhìn thấy bên dưới những con đường, những mái nhà, và để ngắm những cơn mưa bất chợt đến bất chợt đi. Rồi lần lượt hai đứa cháu ra đời: Susu và Suchi. Susu là con gái và Suchi là con trai. Hai đứa cháu kháu khỉnh ấy lấy hết tâm trí của bà.
Mấy lần Thùy thúc giục bà bán căn nhà 40 mét vuông ở Hà Nội vào Sài Gòn. Bà lắc đầu: “Mẹ quen rồi”. Nhưng mỗi lần con gọi điện, bà lại lên máy bay vào với nó mới được, có khi bà lại leo lên một chuyến xe lửa, làm cuộc hành trình dài dằng dặc để thăm con… Mà đi thăm con đâu phải để thăm vườn bách thú, thăm Dinh Thống Nhất hay đi Suối Tiên, Đầm Sen? Bao nhiêu bận đi Sài Gòn gần như bà chỉ biết bấm nút từ tầng 15 của tòa nhà, xuống siêu thị đi chợ, hoặc bà đi bộ thong dong ra khu chợ nhỏ gần đó để mua đồ. Một ngày của bà ở Sài Gòn là một ngày chăn dắt hai đứa cháu, bà giống như một oshin hạng sang, vì Thùy nói: “Mẹ lo cháu giùm con đi. Có mẹ con mới tin. Oshin bây giờ lương cao, nhưng không tin tưởng được”. Bà thương hai đứa cháu của bà, dẫu bận rộn, nhưng lòng bà vui vì bà được cận kề bên cháu.
Nhưng giờ thì bà giận con gái thật sự rồi. Bao nhiêu năm bà chắt chiu nuôi nó khôn lớn, bao nhiêu năm bà che chở cho nó, từng nửa đêm thức trắng cùng nó khi nó trở trời khó chịu. Bao nhiêu năm ấy đã qua, còn bây giờ thì bà lại trở thành một người làm công không lương phụ việc. Sáng bà đi chợ, bà nấu ăn, cả hai vợ chồng chỉ gọi một cuộc điện thoại về: “Tụi con không ăn cơm”. Thế là công sức làm bếp của bà vứt xuống sông xuống biển. Buổi sáng, hai vợ chồng ngủ dậy trễ, bà cặm cụi lau nhà. Con gái thức dậy, nhăn mẹ: “Lần sau mẹ đừng dùng mùi hương này lau nhà nữa”. Bà giận đến muốn khóc.
Bà thương hai đứa cháu, cái tuổi thơ sống trong nhung lụa khác với tuổi thơ trên những cánh đồng. Thùy dặn mẹ không cho cháu ăn kem, mà con nít thì thích ăn kem. Bà dắt cháu xuống siêu thị, mua cây kem cho cháu ăn lén, hai đứa ăn ngon lành. Buổi tối hai đứa nhỏ bỏ bữa, con gái bà truy hỏi: “Chiều mẹ cho cháu ăn gì?”. Susu hồn nhiên kể với mẹ: “Bà ngoại cho con ăn kem. Kem sữa ngon lắm mẹ ơi”. Thế là Thùy nhăn mẹ: “Con đã nói với mẹ rồi, nó bỏ cơm đó mẹ thấy chưa?”. Bà bỏ ra ngoài, bà bấm nút thang máy, bà xuống dưới phố. Nhưng bà chẳng biết đi đâu trong Sài Gòn rộng này. Bà ra công viên gần đó, ngồi ở ghế đá nhìn người ta tập thể dục.
Tình yêu của một người mẹ, giờ là một người bà làm cho bà bỏ qua tất cả. Thật ra thì bà đâu có phải là người đàn bà nhà quê, nhưng con của bà đã sống ở một môi trường mới, cách sống của nó đã khác. Nó cần bà, bà cũng cần niềm vui bên cạnh hai đứa cháu kháu khỉnh. Vì thế mà bà vào Sài Gòn để tối ngày trở thành một người làm không lương, mà mấy bà bạn già của bà mỗi lần khăn gói đến nhà con gái hay nói vui: Tụi mình là oshin thứ thiệt.
Bà đón chiếc xe thồ ra ga xe lửa. Bà phải về Hà Nội, bà thích nằm ngủ trên chiếc salon trong phòng khách nhà của bà. Nhưng lạ cho bà, thỉnh thoảng bà lại lấy chiếc điện thoại ra xem thử có cuộc gọi nhỡ nào không?
Bà đứng đợi tới lượt mình mua vé thì điện thoại reo, đó là điện thoại của Thùy. Tiếng bên kia máy là cháu gái lẫn cháu trai: “Bà ngoại ơi, mẹ nói mẹ xin lỗi bà ngoại. Con nhớ bà ngoại lắm”. Bà tần ngần trước phòng vé một chút, rồi bà bước ra khỏi sân ga. Bà đã thấy con gái bà đứng đó với hai đứa cháu ngoại. Vậy là bà vẫn chưa thể về Hà Nội, để ngủ trên chiếc salon quen...
Truyện ngắn Nhược Quân