ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THANH ĐÀM VIÊN TỊCH

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH THANH ĐÀM VIÊN TỊCH

Đại lão Hòa thượng THÍCH THANH ĐÀM, Đức Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Do niên cao, lạp trưởng, Đại lão Hòa thượng đã thu thần viên tịch lúc 13 giờ 30 phút ngày 18-1-2022 tại chùa Hòa Lạc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; trụ thế: 98 năm; hạ lạp: 78 năm.

Lễ nhập kim quan chính thức cử hành lúc 13 giờ 30 phút ngày 19-1-2022. Kim quan được tôn trí tại chùa Hòa Lạc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Lễ viếng chính thức từ 15 giờ ngày 19-1-2022 đến hết ngày 20-1-2022. Lễ truy điệu được cử hành lúc 7 giờ 30 phút ngày 21-1-2022, sau đó cung thỉnh kim quan Đại lão Hòa thượng nhập Bảo tháp trong khuôn viên chùa Hòa Lạc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

 Để tưởng nhớ công lao to lớn của Đức Phó pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm đối với đạo pháp và dân tộc, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang theo nghi thức cấp cao của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Tóm tắt tiểu sử

Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm, thế danh là Phan Văn Phàn, sinh năm 1924 tại thôn Kim Định, xã Kim Định, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1936, Ngài được song thân cho đến xuất gia với Sư tổ là Hòa thượng Thích Thanh Tường, trụ trì chốn Tổ Yên Bình, thôn Yên Bình, xã Yên Lộc, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Năm 1941, Ngài được nghiệp sư hạ đao thế phát đăng đàn thụ Sa di giới tại chốn Tổ chùa Yên Bình.

Năm 1948, Ngài vào trụ trì chùa Hán Văn, xã Đức Tân, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Năm 1951, Ngài về trụ trì chùa Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Trong thời gian 8 năm trụ trì (1951-1959), Ngài đã cùng tín đồ Phật tử và dân làng tu sửa, tôn tạo cảnh giới già lam và xây dựng bảo tháp tôn thờ các bậc tổ sư khai sáng. Thời gian này, giặc Pháp bị thua trên các mặt trận, chúng điên cuồng càn quét, bắn phá và đuổi nhà sư ra khỏi chùa vì chúng nghi chùa là nơi trú ẩn của du kích Việt Minh, song Ngài vẫn kiên cường giữ chùa cùng chung với dân làng, ủng hộ kháng chiến chống giặc ngoại xâm để giành lại độc lập cho dân tộc.

Năm 1959, Ngài trở về chốn Tổ Yên Bình, lãnh chức vụ đăng gia và phục vụ sư trưởng.

Từ tháng 3-1973 đến tháng 8-1975, Hòa thượng đã được đi học trường Phật học của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Ngày 21-8-1975, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức tấn phong giáo phẩm Thượng tọa cho Ngài.

Ngày 28-8-1997, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, Ngài đã được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm “Hòa thượng”. Đây là ngôi vị cao quý nhất đánh dấu cuộc đời tu hành của Hòa thượng.

Ngày 28-4-1998, Hòa thượng chính thức trao ngôi vị trụ trì cho đệ tử của mình là Đại đức Thích Trí Như và lên ngôi viện chủ Tổ đình Hòa Lạc cho đến ngày viên tịch.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Ninh Bình lần thứ IV (năm 2007), Ngài được đại hội tín nhiệm suy cử làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình và Trưởng ban Trị sự Phật giáo huyện Kim Sơn.

Tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII (năm 2012), Ngài được đại hội suy tôn ngôi Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đảm nhiệm ngôi vị Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình.

(Nguồn từ Báo Quân đội Nhân dân)