Quà Tết không biết có từ bao giờ và còn đến bao giờ nữa nào ai biết, nhưng tới nay trong cơ chế thị trường thì tục quà Tết đã đi vào cuộc sống của người Việt Nam với đầy đủ các mặt của ái, ố, hỷ, nộ khó có người kể hết và tả hết.
Sự bắt mắt trên bao bì của sản phẩm đủ loại quà Tết với các màu sặc sỡ đỏ, xanh, tím vàng,… tràn lan khắp từ thành thị tới nông thôn với thượng vàng, hạ cám đủ các mẫu mã chủng loại dành cho đủ các đối tượng giàu sang tới nghèo khó được chuẩn bị và bày bán từ trước Tết khá lâu. Nhìn hàng hóa Tết, thấy không khí Tết đã thấy sự phát triển của xã hội, nhiều người mừng nhưng cũng không ít người lo.
Mừng vì sự phát triển của đất nước, mừng vì đời sống nhiều mặt của nhân dân được nâng lên, mừng vì “Tết dân tộc, Tết cổ truyền” nét đẹp trong văn hóa truyền thống của cha ông được bảo tồn và phát huy. Nhưng nhiều người không khỏi lo bởi sự biến tướng của đạo lý cuộc sống, sự tha hóa của con người trong cơn lốc của cơ chế thị trường. Thật giả trong bao bì hào nhoáng kia ai đo đếm được khi chính chuẩn mực của người cầm cân nẩy mực cũng có vấn đề. Nét đẹp Tết đến xuân về là niềm vui của những ai “mong Tết đến” còn biết bao người lo lắng khi “Xuân sang”:
Trên đường quê chiều cuối năm, cô vợ trẻ bụng chửa vượt mặt tức tưởi khóc, anh chồng tay xoa chân, tay dắt vợ lại vệ đường, hỏi ra mới biết hai vợ chồng về chúc Tết sếp ở quê, dành dụm mãi mới mua được chai rượu ngoại, không ngờ đi về gần tới nơi thì gặp người qua đường đi ẩu va phải vỡ mất chai rượu, bây giờ thì tiền không còn mà cũng không biết mua gì vào nhà sếp, không rõ rồi sếp có hiểu cho không ra Tết lại khổ? Đầu phố có ngôi biệt thự, xe hạng sang ra vào tấp nập, bác xe ôm chờ khách, dừng xe sát rào hông nhà nghe tiếng the thé của cô gái nhỏ: Cái lão vừa nãy nói như rồng cuốn mà ki bo, lì xì có hai mươi ngàn đô. Rồi có tiếng người lớn hơn, bảo: Mày bé bé cái mồm!
Trong muôn mặt đời thường khi Tết đến với đầy đủ đen trắng, thị phi, thật giả khó lường trong tâm tưởng con người với “Cầu mong ở Tết” thì đâu đó vẫn còn lưu giữ những phong tục tập quán về quà Tết rất đẹp:
Thầy giáo nghỉ hưu Đặng Quang Đàm quê ở Khánh Thượng, Hà Tây (nay là Hà Nội), năm nay thầy trên 80 tuổi, nhà thầy con cháu đều phương trưởng thành đạt, tuổi cao nhưng năm nào cũng vậy, mỗi khi Tết đến thầy luôn chuẩn bị quà Tết riêng cho con cháu, bạn bè và người thân rất đơn giản và ý nghĩa. Với con cháu trong nhà, thầy viết lại việc tiến bộ của con cháu trong năm đã qua để khuyến khích, viết việc chưa tiến bộ để nhắc nhở. Với làng xóm, thầy tổng kết việc làm tốt để phát huy, việc chưa làm được để khắc phục. Với bạn bè xa gần, thầy viết thư thăm hỏi, chúc Tết nhân năm mới rất ân cần.
Con cháu trong nhà, thầy dạy nên lấy cái năng lực, cái đức làm gốc không phải quỵ lụy, lo lót ai mà làm việc trái đạo lý con người. Thầy nói có tài có đức tất có người dùng, không sợ chết đói. Theo lời dạy đó, con cháu thầy Tết về cũng luôn đơn giản mà thành kính, không ai phải tất bật lo lắng, hơn, ít. Nhà thầy các thế hệ trong một nhà hòa thuận, thành đạt mà vui vẻ, Tết đến năm nào cũng thật vui và ấm áp, thật đúng như ông cha đã từng dạy “có đức mặc sức để hưởng” hay “có đức mặc sức để ăn”.
Đâu đó, các loại “độc tố” mang đến cho đời sống của con người, đang làm cho cuộc sống bị đe dọa ở nhiều mặt diễn ra hàng ngày, nhất là vào dịp Tết: đồ ăn, thức uống, cá thịt, rau củ quả đều tẩm ướp hóa chất bảo quản thậm chí là hàng giả như rượu giả, cá kho, mực khô, măng khô giả,… Ham sang, ham rẻ, vì danh, vì lợi người này đang cố ý hoặc vô tình đầu độc người khác bằng những hàng hóa có nhiều chất độc hại. Và cũng vì danh vì lợi, nhiều người đang thể hiện mình bằng quyền lực, bằng lời nói hành động làm ảnh hưởng đến việc làm, cuộc sống của người khác.
Độc tố của xã hội đang đến với con người từ đồ ăn, thức uống đến tai nghe, khí thở, mắt thấy, tay sờ nhan nhản mọi nơi,… bởi thế mà bệnh tật phát sinh để người tới bệnh viện không có chỗ nằm, trong khi công viên bỏ hoang, mấy người tới nơi vui chơi giải trí.
Trước vấn nạn đó nhiều người đã sớm phản tỉnh nhận ra để chọn giải pháp “Không” với quà Tết: Không nhận quà Tết là hiện vật để khỏi bị đầu độc bởi hóa chất độc hại; không nhận quà Tết là tiền để không bị đầu độc bởi trường năng lượng “độc hại” của người biếu dành cho người nhận và không bị nhân quả theo đuổi “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”. Nhiều gia đình đã chọn hưởng một cái Tết giảm rượu, bia, giảm thịt cá. Thậm chí có gia đình đã chọn giải pháp ăn chay rau củ quả trong ngày Tết để xả bớt nghiệp chướng do sát sinh hoặc gián tiếp sát sinh mang lại.
Tết đang về, quà Tết vẫn là nỗi canh cánh của nhiều người từ giàu sang tới nghèo hèn, ai cũng mong qua Tết, xuân sang sẽ có cuộc sống, công việc tốt đẹp hơn. Để có được như mơ ước, nhiều người luôn nghĩ tới việc dùng vật chất, lấy tiền để đổi lấy sự tốt đẹp chứ ít người dám hành động lấy sự trung thực, tình thương, sự bao dung để có được sự an bình.
Tết đang đến gần, xuân đang về mong sao mỗi người hãy tự nhận ra được sự thật nhân quả, nhân bản của cuộc sống “Đức năng thắng số, ở hiền gặp lành” để đến với nhau trong quà Tết, mong quà Tết.
Hữu Tâm