Trong những năm gần đây, thế giới đã có nhiều sự thay đổi sâu sắc. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tác động làm thay đổi nhiều lĩnh vực.
Thế giới không còn khái niệm bị chia cắt bởi những trở ngại địa lý như trước đây; ranh giới giữa sự riêng tư và công cộng dường như bị xóa nhòa trong thế giới thông tin với sự phát triển của các ứng dụng thông tin cá nhân trong mạng lưới toàn cầu.
Song song đó, khủng hoảng đạo đức, môi trường sinh thái, nền hòa bình bị đe dọa, sự bất ổn trong đời sống… vốn đã có lại bị đẩy đến mức độ gay gắt hơn với những cuộc khủng bố nhân danh tín ngưỡng, chiến tranh, tai nạn thảm khốc… liên tục xảy ra ở đó đây trên thế giới.
Với Việt Nam chúng ta, ảnh hưởng của tình hình chung, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, chúng ta còn phải đối diện với hiện tượng suy thoái đạo đức lối sống, văn hóa tự phát, tệ nạn xã hội gia tăng làm nhiều người lo lắng, bất an. Toàn bộ hệ thống chính trị hiện nay đã nhận thức vấn đề và đang ra sức điều chỉnh chính sách nhằm cải thiện, xây dựng niềm tin và tạo dựng sự ổn định, phát triển.
Với Giáo hội Phật giáo VN, 3 năm kể từ Đại hội VII (2012) diễn ra tại Hà Nội, bộ máy nhân sự của Giáo hội cũng đã có nhiều sự thay đổi.
So với nhân sự được suy tôn và suy cử tại Đại hội VII, đội ngũ nhân sự Ban Thường trực đã có sự bổ sung và thay đổi nhiều chức danh quan trọng. Theo đó, nhân sự cũng đã được trẻ hóa, có trình độ thế học cao hơn, năng lương sức khỏe dồi dào hơn.
Nhớ từ những nhiệm kỳ trước, một số vị giáo phẩm lãnh đạo có tầm nhìn đã chủ trương trẻ hóa đội ngũ lãnh đạo Giáo hội nhưng gặp phải một số trở ngại. Điều đó, hôm nay có thể nói Giáo hội đã thực hiện được một phần nào.
Tuổi trẻ đồng nghĩa với sự nhiệt tình và sáng tạo. Với sự bổ sung và trẻ hóa nhân sự nhiều vị trí chủ chốt trong Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và các ban, ngành, viện Trung ương Giáo hội, hy vọng rằng Giáo hội sẽ có những bước chuyển mình bắt kịp nhịp phát triển chung của thế giới cũng như của đất nước, tỉnh thức và có giải pháp tốt trước tình hình vôn dĩ phức tạp nhằm thúc đẩy các Phật sự của Giáo hội vươt qua, vươn lên một tầm cao mới, xứng đáng là thế hệ tiếp nối trong ngôi nhà Phật giáo VN.
Trong cái nhìn duyên sinh của đạo Phật: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh; Cái này không có thì cái kia không có, cái này diệt thì cái kia diệt”…, bên cạnh nhiều thành tựu đáng ghi nhận của thế giới, của đất nước cũng như của Giáo hội, luôn có những khoảng lặng đây thách thức và phức tạp cần phải đối diện và giải quyết.
Trong thế giới duyên sinh, thời đại nào, xã hội nào mà giai cấp lãnh đạo giải quyết được những điều nan giải về con người và lòng tham của con người thì nhất định thời đại đó, xã hội đó... sẽ đạt được mục tiêu lý tưởng và thành công. Trong tôn giáo đạo đức cũng vậy, bất kỳ thời duyên nào, giới lãnh đạo tinh thần vượt lên chính mình, soi sáng tính tự ngã, vô ngã để phụng sự lợi lạc nhân sinh thì nhất định tôn giáo đó được tăng trưởng, xương minh.
Trên những điều kiện thay đổi đã nói, chúng ta mong rằng Giáo hội sẽ có những bước tiến mới thúc đẩy các lĩnh vực của Phật giáo phát triển, góp phần vào việc xây dựng đất nước, xứng đáng với truyền thống hộ quốc an dân của Phật giáo VN gắn bó với dân tộc mà Giáo hội chúng ta tự hào là tổ chức đại diện và kế thừa của lịch sử.
HT.Thích Giác Toàn