Xây Dựng Niềm Tin

Xây Dựng Niềm Tin

Chúng ta không thể mãi ngồi nguyền rủa bóng tối mà phải thắp lên một que diêm, từ đó nhân ánh sáng để nó lan rộng ra.


Theo nhà Phật, trong nơi tăm tối nhất vẫn có ánh sáng, nơi đau khổ nhất vẫn có tình yêu, đó là ý nghĩa tương sinh qua hình ảnh quen thuộc là sen và bùn, hay phiền não và bồ-đề (tỉnh thức, giác ngộ).

“Niềm tin”… còn một chút này ?

Chúng ta đang sống trong một thế giới nhiều bất an. Nỗi lo sợ về chiến tranh, đói nghèo, bất công hiện diện ở mọi nơi, từ Ukraine đến Iraq, từ Nga sang Mỹ, từ Biển Đông đến Địa Trung Hải…

Về mặt xã hội, nền kinh tế vẫn còn khó khăn, lại thêm các tệ nạn khác như cướp giật, trộm cắp không suy giảm bao nhiêu. Người dân cứ phập phồng khi ra khỏi nhà vào ban đêm, cùng với đó là tình trạng bạo lực gia tăng ở trong nhà cũng như ngoài đường phố. Những vụ trọng án đang gia tăng gần đây nhan nhản trên các trang mạng về xung đột trong gia đình, tranh chấp trong thừa kế tài sản, thậm chí những án mạng xuất phát từ nguyên nhân rất vô duyên… đã làm không ít người đặt vấn đề: phải chăng đạo đức xã hội bị suy thoái, xuống cấp trầm trọng? Phải chăng niềm tin, lối sống đang bị khủng hoảng?

Vấn đề này đã được các nhà lãnh đạo nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp… (trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, theo TTXVN). Ở một cách nhìn khác, nhà báo Kim Dung/Kỳ Duyên đã từng nói: “Cái chấn thương tâm lý lớn nhất trong xã hội hiện nay là gì? Chính là suy giảm niềm tin. Ngay với một đứa trẻ, mất niềm tin đã là một chấn thương lớn lắm khi trẻ mới bước vào đời. Thậm chí là nỗi ám ảnh, và có khi nó đi theo suốt trong cuộc đời. Cho nên có một câu nói “mất niềm tin là mất tất cả”.

Xây dựng lại cơ sở cho niềm tin

Chúng ta không thể mãi ngồi nguyền rủa bóng tối mà phải thắp lên một que diêm, từ đó nhân ánh sáng để nó lan rộng ra. Theo nhà Phật, trong nơi tăm tối nhất vẫn có ánh sáng, nơi đau khổ nhất vẫn có tình yêu, đó là ý nghĩa tương sinh qua hình ảnh quen thuộc là sen và bùn, hay phiền não và bồ-đề (tỉnh thức, giác ngộ).

"Dĩ tín hữu đạo đức

Chánh ý hướng vô nghi

Dục thoát tam ác đạo

Thị vi tối cát tường

(Có niềm tin, có một đời sống tâm linh

Tâm ý ngay thẳng, không bị hoài nghi che lấp

Có quyết tâm lánh xa ba nẻo về xấu ác

Đó là điềm lành lớn nhất)."

(Kinh Phước đức, bài kệ 11 )

Niềm tin (tín) là một năng lượng. Khi ta có năng lượng niềm tin như trên, ta có sức mạnh và hạnh phúc. Trong đạo Phật, có năm nguồn năng lượng: tín, tấn, niệm, định và tuệ. Tam ác đạo là ba nẻo xấu ác, các nguồn năng lượng khác. Hữu đạo đức đòi hỏi ta phải có một đời sống tâm linh. Không có đời sống tâm linh thì không có năng lượng để đối diện, tháo gỡ khó khăn trong nội tâm của chúng ta. Chánh ý hướng vô nghi là tâm ý ngay thẳng, hướng về sự thực tập chánh kiến. Chánh kiến tức tuệ, không còn ngờ vực, hoài nghi…

Mọi tranh chấp trong cuộc sống này đều có động cơ từ dục, tham lam, sân hận và si mê. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật từng dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua. Sát-đế-lị tranh đoạt với Sát-đế -lị; Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn; gia chủ tranh đoạt với gia chủ; mẹ tranh đoạt với con; con tranh đoạt với mẹ; cha tranh đoạt với con; con tranh đoạt với cha; anh em tranh đoạt với anh em; bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt, họ công phá nhau bằng tay, họ công phá nhau bằng đá, bằng gậy, bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục… là nguyên nhân của dục.

Lại nữa, này các Tỳ-kheo, do dục làm nhân… do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm; ờ dây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỳ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm của các dục… là nguyên nhân của dục… Này các Tỳ-kheo, như vậy sự đau khổ các dục đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân”. (Phẩm Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Trung bộ, HT.Thích Minh Châu dịch)

Đức Phật đã chỉ ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên tội ác: đó chính là Dục. Cũng nên lưu ý rằng dục được nói tới trong đoạn kinh nêu trên là ác dục. Giáo pháp của Đức Phật chỉ ra cho con người cần phải diệt trừ những mong muốn thỏa mãn lạc thú chỉ gây nên tội lỗi mà phải nhắm đến những khao khát hướng thiện để giải thoát khỏi những nỗi khổ trói buộc con người. Nhưng Đức Phật cũng chỉ ra rằng nếu hành giả không đoạn tận năm tâm hoang vu thì không thể nào hướng tới những khao khát hướng thượng.

Cho nên, trước hết, xã hội phải ngăn ngừa tình trang sa mạc hóa tâm hồn bằng cách xây dựng niềm tin đúng, tình thương đúng, và quan trọng nhất, theo nguyên lý nhân quả. Thiết nghĩ, đây là việc hết sức hệ trọng, bởi lẽ không gì nguy hiểm trong xã hội bằng một kẻ làm ác lạnh lùng không chút mảy may động tâm về hậu quả tang thương gây ra cho người khác!

Những nội dung đó phải được dạy, phải huân tập nguyên lý ấy cho con em ngay từ tấm bé trong chương trình giáo dục - qua các bài học, các câu chuyện, các tranh, phim ảnh sinh động. Giáo dục niềm tin nhân quả chứ không phải dạy trả thù kiểu Tấm - Cám trong truyện cổ cùng tên.

Chúng ta cũng phải bắt đầu từ giáo dục gia đình. Trẻ em cần phải thấy sự gương mẫu của người lớn, ý thức sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật... Chừng nào thiếu những tấm gương ấy thì niềm tin còn bị khủng hoảng, xã hội còn tao loạn, lòng người vẫn nhiễu nhương và cái ác khó đoạn trừ!

Trong kinh Chuyển luân Pháp vương, Đức Phật dạy bậc về phẩm chất của lãnh đạo là phải sống trong giáo pháp, tránh làm điều ác: “Nếu người lãnh đạo sống chân chánh, nhiều người sẽ noi theo, và xã hội sẽ an lạc. Bậc vua chúa hãy đối xử thần dân như con và tránh xa bốn điều tai hại khi cai trị: tham lam, sân hận, lo sợ, ảo tưởng”. Đức Phật đề ra bốn cách thức hành xử là bố thí, ái ngữ, tiết kiệm và bình đẳng. Lãnh đạo không được xem bản thân là tối thượng và khinh rẻ dân chúng, thực thi công bằng hay đó chính là kết quả của tinh thần dân chủ.

Niềm tin rất cần khôi phục trước khi chúng ta có thể thực thi những chính sách lớn lao, chiến lược xây dựng con người. Phải bắt đầu từ niềm tin, lịch sử cho thấy rằng các triều đại huy hoàng trong lịch sử cũng đều nhận được sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân.

Hãy mở cửa mùa xuân cho nắng mai tràn vào soi những góc khuất của tâm hồn nơi chúng ta thường che đậy cảm xúc, không dám bộc bạch những suy nghĩ chân thực của mình vì tâm chứa đầy sự hoài nghi!

Đạo Phật là một con đường thênh thang cho chúng ta bước đi. Chúng ta cần tỉnh thức, xây dựng lại niềm tin và bắt đầu từ tuổi trẻ. Mở cánh cửa đón mùa xuân trong tâm thái bình an.

"Lời chim gieo sáng dệt vân sa

Trên bước đường xuân trở lại nhà

Mở sách chép rằng: - Vui một sáng

Nghìn năm còn mãi tấm lòng ta."


(Huy Cận )
Nguyên Cẩn